Tính năng
Tại sao nên chọn GapoWork
Tin tức
GapoWork cho người Việt

Khám phá 2 vụ bê bối tài chính “chấn động” tại Việt Nam

Gian lận báo cáo tài chính để thu lợi là một điều không quá lạ lẫm đối với các doanh nghiệp đặc biệt là các tổ chức niêm yết trên thị trường chứng khoán. Và gian lận báo cáo tài chính không chỉ là vấn nạn phổ biến tại Việt Nam mà trên cả thế giới từ rất nhiều năm trở lại đây. Cùng GapoWork khám phá những case study về gian lận báo cáo tài chính nổi tiếng trong giới kiểm toán ở bài viết này nhé!

Các hình thức về gian lận báo cáo tài chính ngày càng phức tạp và muôn hình muôn vẻ, thông thường thì các nhà phân tích về kiểm toán, tài chính sẽ chỉ nhận ra khi sự việc đã diễn ra và bị vỡ lở do một sự cố nào đó. Một phần vì những thủ thuật được sử dụng tinh vi và luôn thay đổi phương thức mới, còn một phần vì sự tăng giá cổ phiếu khiến nhiều doanh nghiệp “nổi lòng tham” dẫn tới hành vi sai trái.

Bê bối tài chính của JVC

Một trong số case study gian lận báo cáo tài chính điển hình tại Việt Nam phải kể đến đó là “phi vụ” của Công ty Cổ phần y tế Việt Nhật JVC (năm 2015).

Báo Đầu tư chứng khoán đưa tin: Ngày 24/6/2015 thị trường chính thức có tin liên quan tới việc Cựu chủ tịch Công ty JVC (được miễn nhiễm ngày 21/6/2015) bị bắt tạm giam. Trước đó, ngày 10/6/2015 đã có “tin đồn” trên Thị trường chứng khoán về vấn đề đưa giá cổ phiếu từ vùng quanh 22.000 đồng/ cổ phiếu tới cuối tháng 6 còn khoảng 7.000 đồng/ cổ phiếu và đóng cửa ngày 17/06/2019 khi chỉ còn chưa tới 3.050 đồng.

Khám phá 2 vụ bê bối tài chính “chấn động” tại Việt Nam - Ảnh 1

Tổng tài sản của JVS giảm từ 1.600 tỷ đồng còn hơn 700 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 1.000 tỷ đồng tính tới cuối năm 2018. Trong năm 2015, JVC đã xuất hiện nhiều dấu hiệu lạ như chậm nộp báo cáo tài chính, công ty sử dụng vốn phát hành cho cổ đông sai mục đích và nổi bật là khoản tiền mặt hơn 465 tỷ đồng, phải thu thương mại tăng mạnh từ hơn 400 tỷ lên hơn 615 tỷ đồng không có thuyết minh cụ thể.

Sự bất hợp lý giữa các khoản đầu tư này được thể hiện rõ ràng như sau:

  • Công ty sử dụng vốn sai mục đích để đóng thuế và trả nợ ngân hàng, tức là việc phát hành cho cổ đông nhằm mục đích bù đắp những nghĩa vụ trước đó không được công khai.
  • Thông thường các khoản tiền trong doanh nghiệp đều sẽ được sắp xếp cho các mục đích kinh tế trong tương lai, nếu tiền từ hoạt động kinh doanh dồi dào thường sẽ ở dưới dạng tiền gửi ngắn hạn trong Ngân hàng. Với số dư tiền mặt khổng lồ như vậy việc kiểm đếm, bảo quản và rủi ro có thể sẽ rất lớn, vậy tại sao lại có sự việc này?

Trong quá trình che lấp, chắp vá báo cáo tài chính của mình, kiểm toán có xác nhận về hàng loạt giao dịch chui giữa JVC và các công ty liên quan mà chưa được Hội Đồng Quản Trị hay đại hội đồng cổ đông thông qua. JVC đã thực hiện các giao dịch bảo lãnh, bán hàng, mua hàng, tạm ứng, thanh toán hộ và đầu tư góp vốn vào các dự án liên kết thiết bị y tế.

Bằng các thủ thuật tài chính, công ty có thể làm đẹp số liệu một cách dễ dàng. Khoản tiền phát hành cho cổ đông đã được sử dụng hết vào các nghĩa vụ phát sinh trong quá khứ, cần có một khoản tiền khác bù đắp vào. Mà tất nhiên JVC sẽ không thể phát hành thêm, nếu vay nợ trực tiếp từ ngân hàng thì lại dễ bị “lộ”, nên JVC đi thông qua các công ty “không liên quan” để bảo lãnh các tổ chức này vay vốn ngân hàng. Tài sản đảm bảo có thể chính là cổ phiếu của JVC được tài trợ bởi một bên thứ ba khác.

Hợp đồng kinh tế lập ra để làm cơ sở giải ngân cũng không phải là việc khó, khi thành lập thêm các bên thứ tư, thứ năm... Các đối tượng này được gọi chung là SPE (đối tượng có mục đích đặc biệt). Khoản tiền này sau khi được sử dụng cho mục đích che giấu lỗ sẽ được trả lại cho ngân hàng ngay khi chốt sổ sách.

Khám phá 2 vụ bê bối tài chính “chấn động” tại Việt Nam - Ảnh 2

Những dấu hiệu nhận biết thủ thuật mà nhà đầu tư có thể đặt dấu chấm hỏi từ bê bối tài chính của JVC:

  • Công ty thay đổi niên độ kế toán mà không rõ lý do. Tại JVC, Công ty đã thay đổi theo năm tài chính thông thường chuyển sang niên độ từ 1/4 tới 31/3.
  • Công ty thay đổi chính sách kế toán, ghi nhận doanh thu theo hướng tích cực, dễ dàng hơn, kéo giãn chi phí một cách chậm chạp hơn.
  • Xuất hiện các khoản mục có số dư tăng mạnh mà không có giải trình, đôi khi tiền mặt cũng không còn là tiền “thật” nữa.
  • Giao dịch giữa các bên liên quan ngày càng tăng.

Khả năng hàng nghìn nghiệp vụ, giấy tờ không có bản chất kinh tế thật đã được JVC tạo ra nhằm các mục đích sau:

  • Ghi nhận doanh thu ảo nhờ bán sang các đối tượng liên quan hoặc không thực sự có nhu cầu với các giấy tờ khống được lập lên. Dẫn chứng chính là doanh thu, lợi nhuận tốt nhưng dòng tiền không có, đều phải thế chấp hàng hóa để vay nợ ngắn hạn đáp ứng vốn lưu động, sau đó tiếp tục lại vòng lẩn quẩn này để gia tăng doanh thu và lợi nhuận ảo.
  • Tài trợ cho các công ty liên quan nhằm mục tiêu rút ruột. Bằng chứng là các hợp đồng hợp tác kinh doanh, tài trợ, bảo lãnh của JVC cho các đối tượng này nhiều vô kể.

Trong giai đoạn này giá cổ phiếu vẫn tăng từ 6.000 đồng lên 25.000 đồng, những nhà giao dịch đang “cưỡi trên lưng cọp” mà không hề hay biết. Các chuyên gia chia sẻ rằng: để hạn chế gặp phải những trường hợp như vậy nhà đầu tư cần làm tốt hai việc sau:

1. Xét tình hình toàn diện của công ty trong một khoảng thời gian dài.

2. Luôn theo dõi, đặt câu hỏi và nhạy cảm về những thay đổi trong chính sách kế toán của công ty, rủi ro thường nằm ở “Bảng cân đối và các nghĩa vụ ngoại bảng” của tổ chức đó.

Bê bối tài chính của Công ty Dược Cửu Long

Khám phá 2 vụ bê bối tài chính “chấn động” tại Việt Nam - Ảnh 3

Sự kiện rầm rộ của Công ty Cổ Phần Dược phẩm Cửu Long được báo chí, nhà đầu tư và những người quan tâm khác lên án vào khoảng tháng 6 - 7/2014. Theo thông tin được nhiều kênh báo chí tài chính, kiểm toán trong nước cung cấp, năm 2013 tại Dược Cửu Long tồn tại khá nhiều giao dịch mang tính lòng vòng, bất thường. Ngoài vòng giao dịch khép kín diễn ra trong 2 ngày là ngày mùng 7 và ngày 9/12/2013 giữa Dược Cửu Long với VPC Sài Gòn (công ty 100% vốn của Dược Cửu Long), An Tâm (một khách hàng có công nợ lớn tại Dược Cửu Long). Ngoài ra, một số giao dịch lòng vòng khép kín khác cũng được thực hiện trong thời gian này.

Những giao dịch trên chỉ được hạch toán trên sổ sách, còn thực chất thì không hề xảy ra bất kỳ giao dịch mua bán nào, hàng tồn kho không hề được luân chuyển, doanh thu, giá vốn và công nợ của những giao dịch này thực tế là không phát sinh. Vậy hình thức mua bán này đã tạo ra những bất thường gì trong hoạt động và những con số tài chính của Dược Cửu Long?

Theo chuyên gia tài chính phân tích, nếu nhìn vào báo cáo tài chính của Dược Cửu Long sẽ thấy khoản phải thu của khách hàng luôn giữ ở mức cao. Dược Cửu Long có quá nhiều nợ phải thu trên cơ cấu tài sản. Khoản phải thu khách hàng ngày 31/12/2013 là hơn 202 tỷ trong khi tổng tài sản chỉ khoảng 611 tỷ, cuối quý I/2014 là gần 234 tỷ đồng trên tổng tài sản gần 621 tỷ đồng. Như vậy, nguồn phải thu của khách hàng đã chiếm khoảng 1/3 tổng tài sản.

Việc thu hồi công nợ từ các khách hàng khó đòi cũng đáng lưu ý, đặc biệt là nhóm 5 khách hàng lớn nhất bao gồm: Công ty TNHH Dược phẩm Thiên Sơn, Công ty TNHH Dược phẩm Đại Nam, Công ty TNHH Dược phẩm Hải Tâm, CTCP Dược phẩm Việt Nam và Công ty TNHH Dược phẩm Anh Dũng. Theo ước tính khoảng 50 tỷ đồng, đã quá hạn hơn 18 tháng. Với những mức nợ quá hạn rõ ràng như vậy nhưng hợp đồng bán hàng với những doanh nghiệp này vẫn tiếp tục được ký.

Khám phá 2 vụ bê bối tài chính “chấn động” tại Việt Nam - Ảnh 4

Giao dịch bất thường của Dược Cửu Long trước khi đổ bể về việc gian lận tài chính

Tuy nhiên, điểm bất thường đã đưa Dược Cửu Long vào diện nghi vấn gian lận báo cáo tài chính là do mặc dù công ty có thể cho khách hàng nợ nhiều như vậy, nhưng mục “vay” và “nợ” ngắn hạn trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán thì con số vay ngắn hạn là 251 tỷ tại thời điểm 31/12/2013 và gần 254 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý I/2014. Hai con số này gần tương đương với số tiền mà Dược Cửu Long cho khách hàng nợ.

Có thể khái quát mục đích chung nhất của các công ty dược thông qua việc mua bán lòng vòng như sau:

  • Thứ nhất, để tạo doanh thu ảo: tuy quanh năm có nhiều biến động về doanh thu nhưng Dược Cửu Long luôn báo lãi với số tiền rất khủng.
  • Thứ hai, “làm giá” để chào bán cổ phiếu ra công chúng. Theo quy định, để được phát hành và chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, thì doanh nghiệp cần thỏa mãn điều kiện hoạt động kinh doanh phải có lãi hai năm liên tục. Đồng thời, khi báo cáo tài chính được công bố ra công chúng “đẹp” thì có thể chào bán cổ phiếu với giá cao, thu hút nhà đầu tư vì không phải nhà đầu tư nào cũng nhìn ra được những bất thường trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp, nhất là khi  họ cố tình gian lận.
  • Thứ ba, các công ty dược đều có lợi khi đẩy được giá thuốc lên cao. Thông thường, việc mua bán lòng vòng, hay chuyển giá chỉ xảy ra giữa hai công ty với nhau. Như thế đối với kiểm toán sẽ dễ dàng phát hiện sai phạm này. Nhưng đối với ngành dược, việc mua bán lòng vòng diễn ra trên một hệ thống, mỗi giao dịch thường trải qua ít nhất từ 2 đến 3 “trạm trung chuyển” thì mới hết một vòng giao dịch. Điều này sẽ tạo khó khăn cho kiểm toán viên trong quá trình phát hiện ra lỗi nhất là khi kiểm toán viên chưa nắm được đây là một đặc thù của ngành dược.

Tổng kết

Ngoài những bê bối tài chính đáng chú ý tại Việt Nam thì trên thế giới, các thương vụ lớn của nhiều thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Rolls - Royce, trốn thuế của Apple, gian lận kế toán nghiêm trọng của Toshiba cũng là case study được bàn luận trong suốt thời gian dài.

Để có thêm những thông tin hữu ích và kiến thức mới về tình hình tài chính, kế toán, kiểm toán, bạn có thể đăng ký với GapoWork để nhận nội dung blog mới mỗi ngày.

                                                        ĐĂNG KÝ NGAY


GapoWork - Không gian làm việc số
sẵn sàng cho doanh nghiệp của bạn

Đăng ký ngay để sở hữu bộ giải pháp giúp tăng hiệu quả
kết nối và nâng cao hiệu suất đội ngũ!

Nhận tư vấn
GapoWork - Không gian làm việc số sẵn sàng cho doanh nghiệp của bạn