Giới tài phiệt Nga có bị điêu đứng trong cuộc chiến với Ukraine?
Một sự việc gây xôn xao trong những ngày gần đây đó là tỷ phú Roman Abramovich mất trắng CLB bóng đá Chelsea, do các động thái trừng phạt của chính phủ Anh lên cá nhân nhà tỷ phú này. Abramovich không phải là nhà tài phiệt Nga duy nhất chịu ảnh hưởng từ những chính sách cấm vận trừng phạt của phương tây.
Sức ép bủa vây
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ và các nước phương Tây đã áp dùng nhiều biện pháp trừng phạt nhằm tìm cách "cô lập" Nga với mục đích tạo sức ép cho Moskva. Trừng phạt giới tài phiệt, tỷ phú Nga vẫn là thứ vũ khí ưa dùng của phương Tây để gây áp lực với tổng thống Vladimir Putin. "Giới tài phiệt, tỷ phú Nga có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế. Một phần lớn của nền tài chính nằm trong tay một vài cá nhân. Các công ty lớn của Nga hầu như đều có một phần thuộc sở hữu của chính phủ. Cho nên dù chỉ nhắm vào khoảng 300 tỷ phú cũng sẽ có một tác động đáng kể tới nền kinh tế”, giảng viên Đại học Loughborough (Anh Quốc) cho biết.
Tờ Wall Street Journal ngày 31/3 dẫn lời giới chức ngoại giao châu Âu cho biết EU đang cân nhắc áp dụng các biện pháp mới nhằm gây sức ép đối với kinh tế Nga, mở rộng trừng phạt nhằm vào các ngân hàng và gia đình các nhà tài phiệt người Nga.
"Chúng tôi đang tham gia cùng các đồng minh châu Âu để tìm và tịch thu du thuyền, bất động sản, chuyên cơ riêng của các ông. Chúng tôi buộc phải hành động vì tài sản mà các ông có được từ nguồn thu bất chính” - Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cảnh báo các tài phiệt Nga.
Dự thảo các biện pháp trừng phạt đã được cơ quan điều hành EU thông qua, trước mắt cấm ba ngân hàng Belarus tham gia hệ thống ngân hàng toàn cầu SWIFT và đưa thêm một số nhà tài phiệt và các nhà lập pháp Nga vào danh sách đen của EU. Gói trừng phạt còn cấm xuất khẩu thiết bị và phần mềm hải quân từ EU sang Nga, giám sát tiền điện tử để tránh việc giới tài phiệt Nga sử dụng chúng để lách luật.
CBS News đưa tin, Quốc hội Anh hiện cũng đang xem xét các luật mới để nhằm ngăn chặn những người Nga giàu có bỏ trốn và rửa tiền của họ ở London. "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc thực thi đóng băng tài sản thông qua danh sách các nhà tài phiệt Nga nổi tiếng tại Anh, tập trung vào nhà cửa, du thuyền của họ và mọi khía cạnh trong cuộc sống của họ", Ngoại trưởng Anh Liz Truss tuyên bố.
Giới tài phiệt Nga ngấm đòn từ các lệnh trừng phạt
Doanh nhân Usmanov hiện điều hành USM Holdings, tập đoàn khổng lồ về khai thác mỏ và viễn thông ở Nga cũng nằm trong danh sách trừng phạt của EU. Biệt thự trị giá 18,5 triệu USD của ông trên đảo Sardinia ở Địa Trung Hải đã bị cảnh sát Italy tịch thu. Tại London, Usmanov sở hữu Beechwood House, ngôi nhà trị giá gần 86 triệu USD tại khu trung tâm, cùng một biệt thự ở Surrey, ngoại ô London đều bị giới chức Anh đóng băng.
Một tỷ phú Nga khác bị Mỹ trừng phạt là Oleg Deripaska - người đứng đầu ngành công nghiệp nhôm ở Nga và từng sở hữu khối tài sản khoảng 28 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện ông được cho chỉ sở hữu khoảng 3 tỷ USD.
Pyotr Aven và Mikhail Fridman đã cùng nhau tạo ra Alfa-Bank, ngân hàng tư nhân lớn nhất ở Nga bị đóng băng cổ phần bởi các lệnh trừng phạt của EU hôm 28/2. Fridman có khối tài sản trị giá khoảng 14 tỷ USD trước chiến sự nhưng hiện tại tài sản của ông thì trị giá khoảng 10,3 tỷ đô la và ở vị thế kỳ lạ là một nhà tài phiệt không có tiền mặt.
Người thua lỗ lớn nhất tính theo đồng USD là Gennady Timchenko, người kiểm soát Tập đoàn Volga đã chứng kiến tài sản của mình giảm từ 22 tỷ USD xuống còn 11 tỷ USD. Leonid Mikhelson, CEO của công ty khí đốt Novatek của Nga, đã mất 10,5 tỷ USD.
Theo Bloomberg, giới siêu giàu Nga đã mất hơn 90 tỷ USD kể từ khi cuộc chiến nổ ra. Giá trị ròng của 23 tỷ phú Nga từ mức 375 tỷ USD vào cuối năm 2021 giảm còn mức mức 343 tỷ USD.
Vẫn có những “ngoại lệ”
Theo Bloomberg, một nửa trong số 20 người giàu nhất của Nga vẫn chưa bị trừng phạt vì cuộc chiến ở Ukraine. Một nhóm các tỷ phú siêu giàu, quyền lực của nước này vẫn tự do hoạt động trên khắp thế giới mà không bị hạn chế bởi các lệnh cấm.
Người từng đứng đầu đơn vị trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC), cho biết: “Có những lý do để hạn chế một số nhà tài phiệt và có những lý do để không trừng phạt một số người khác. Có thể là do họ không có mối quan hệ thân cận với Điện Kremlin hoặc quá khó để xử phạt họ ngay từ đầu và các chính phủ muốn lên kế hoạch trước khi ra quyết định”.
John E. Smith, cựu Giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ cho biết: “Mục tiêu chính của các biện pháp trừng phạt là chúng ta làm tổn thương mục tiêu trừng phạt hơn là làm tổn thương chính mình. Khi bạn nói về khí đốt, châu Âu vẫn cần Nga. Mỹ và các đồng minh sẽ xem xét rất cẩn thận để xem những sản phẩm nào từ Nga có thể gần như thiết yếu đối với chúng ta và các công ty nước thứ ba đồng thời tìm cách tránh những tác động đó ”.
Ngoài ra, các tài sản và công ty liên quan đến các doanh nhân giàu có của Nga được cho là thân cận với Tổng thống Vladimir Putin phải đối mặt với sự giám sát đặc biệt mạnh mẽ, vì một số trong số đó đã bị phương Tây nhắm mục tiêu để chuẩn bị cho các lệnh trừng phạt tiếp theo.
GapoWork - Không gian làm việc số
sẵn sàng cho doanh nghiệp của bạn
Đăng ký ngay để sở hữu bộ giải pháp giúp tăng hiệu quả
kết nối và nâng cao hiệu suất đội ngũ!
Bài viết liên quan